ADC và hành trình chinh phục “Vương miện” Global G.A.P
Dù trải qua hàng loạt khó khăn, sự kết hợp giữa Công ty TNHH ADC và nông dân xã Mỹ Thành Nam, (Cai Lậy, Tiền Giang) đã đạt được sự “thăng hoa” khi cùng nhau tiên phong thực hành sản xuất nông nghiệp tốt Global G.A.P thành công từ năm 2009 và duy trì cho đến nay.
Con đường tìm đến vinh quang chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt đối với những hành trình mang tính khai phá, dẫn đầu. Với sứ mệnh “Tiên phong khai phá và Biến những điều không thể thành có thể”, ADC đã là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam xây dựng thành công vùng nguyên liệu lúa đạt chuẩn Global G.A.P, góp phần nâng cao giá trị cho hạt gạo Việt trên trường thế giới. Sự nghiệp này đã được bắt đầu từ cách đây gần 15 năm, duy trì cho đến nay và sẽ tiếp tục cho đến tương lai. Công cuộc này tuy đầy rẫy những trở ngại song khi đã có sự quyết tâm và bắt tay vào hành động thì không điều gì là không thể. Chuyện bắt đầu từ đây…
THỔ NHƯỠNG: TIÊU CHUẨN KHỞI NGUỒN THỰC HIỆN TRỒNG LÚA GLOBAL G.A.P
Việc đầu tiên và cũng khó khăn nhất là phải tìm được vùng đất có thổ nhưỡng tốt, tài nguyên thiên nhiên thuận lợi, chọn làm vùng nguyên liệu để thực hiện mô hình. Oằn mình trong nhiều cuộc chiến tranh, bom đạn và hóa chất vẫn còn tiềm ẩn khắp nơi trong lòng nhiều vùng đất quê hương Chín Rồng. Tập quán chôn cất người chết ngay tại miếng ruộng của gia đình cũng khiến việc chọn địa điểm làm vùng nguyên liệu thêm lắm nỗi nhiêu khê. Chúng tôi đã đi khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để khảo sát và lấy từng mẫu đất, mẫu nước đem đến trung tâm uy tín đăng ký kiểm nghiệm các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm như kim loại nặng, hóa chất gây hại, dioxin trong đất và nước,… Kết quả cho thấy, vùng đất đáp ứng được tất cả các tiêu chuẩn theo Global G.A.P là xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Thêm một điểm cộng để lựa chọn là tập quán canh tác lúa của nông dân nơi đây khá tiệm cận để tiến hành thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn Global G.A.P. Chúng tôi đã mất gần một năm chỉ để chọn được vùng thổ nhưỡng phù hợp nhất cho Global G.A.P.
6 THÁNG THUYẾT PHỤC NÔNG DÂN
Dẫu ở vùng này, tập quán canh tác của nông dân khá tốt song để thay đổi một thói quen đã ăn sâu trong tiềm thức của nông dân qua nhiều đời là điều cũng khó như bảo họ phải rời xa một người thân yêu vậy. Cái tốt hơn chưa hẳn đã được ưa chuộng, được ủng hộ bằng cái đã thân quen.
Bắt đầu từ việc họp mặt bà con nông dân, chia sẻ với họ các thông tin về cách làm lúa chuẩn Global G.A.P, giải thích cho họ biết các lợi ích của quy trình rồi vận động, rồi thuyết phục. Họ nghe nhưng chưa hẳn đã tin. Họ tin song còn lắm những ngại ngần, lo lắng, băn khoăn. Nhóm thực hiện lại đi đến từng hộ nông dân gặp gỡ, tỉ tê, phân tích, so sánh và cam đoan về khả năng thành công của chương trình. 6 tháng ròng rã. Cuộc đời nở hoa. Cả nhóm vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi có 16 hộ nông dân tại đây đồng ý tham gia trồng lúa theo Global G.A.P, với diện tích 12 héc ta. Trên cả tuyệt vời là chỉ một năm sau, chương trình đã nhận được sự đăng ký tham gia của trên 100 hộ dân với tổng diện tích gần 100 héc ta.
XÂY DỰNG CƠ SỞ VẬT CHẤT CHO GLOBAL G.A.P
Ngay sau khi nhận được sự đồng ý tham gia của các hộ nông dân, chúng tôi đã bắt tay vào thực hiện ngay các tiêu chuẩn khắt khe của Global G.A.P về xây dựng cơ sở vật chất tại vùng nguyên liệu. Chỗ rửa tay, nhà vệ sinh tự hoại (thay cho các cầu cá mọc ngang nhiên giữa ruộng), các kho phân thuốc, kho máy móc thiết bị tập trung, điểm pha thuốc… lần lượt được từng hộ nông dân xây dựng và trang bị. Tất cả các rác thải nông nghiệp cũng được cùng nhau thu gom và xử lý theo tiêu chuẩn Global G.A.P.
Song song đó là quá trình chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các qui trình canh tác lúa áp dụng theo tiêu chuẩn Global G.A.P cho từng hộ dân.
CÙNG ĂN, CÙNG Ở, CÙNG LÀM
Để đảm bảo được việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm về sau, các hộ nông dân tham gia đã được công ty ADC cung cấp toàn bộ giống, phân thuốc đến tận tay. Điều này cũng giúp bà con nông dân an tâm vì được sử dụng những sản phẩm chất lượng, đảm bảo về nguồn gốc, xuất xứ.
iệc khó khăn tiếp theo trong quá trình thực hiện là tập cho các nông dân ghi chép nhật ký sản xuất, từ khi gieo sạ đến khi thu hoạch. Điều này đối với nông dân là khá nực cười, cũng giống như bảo họ phải ghi lại việc ăn cơm mỗi ngày. Vì vậy, các thành viên trong nhóm phải chia nhau xuống từng nhà nông dân để liên tục hướng dẫn, nhắc nhở bà con nông dân ghi chép nhật ký sản xuất. Không ít cuốn nhật ký vẫn còn lưu nét chữ của các thành viên trong nhóm vì có một số nông dân không biết đọc, không biết viết.
Bà con nông dân vốn có tập quán phun thuốc không đúng kỹ thuật, vừa chớm có sâu bệnh đã phun thuốc và còn tăng liều tùy thích. Ngay khi thực hiện, nhóm đã tập huấn cho nông dân các qui trình IPM, kỹ thuật 4 đúng trong canh tác lúa và còn đồng hành đi với nông dân đi thăm ruộng hàng tuần; đưa ra các giải pháp để quản lý tốt đồng ruộng tốt, hạn chế sử dụng thuốc mà vẫn đem lại hiệu quả cao. Tuy vậy, một vài nông dân vẫn chưa thực sự tin, theo họ “có bệnh có sâu là phải xịt thuốc ngay”. Vì thế, cả nhóm đã xuống cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con nông dân để hướng dẫn họ quản lý dịch hại một cách an toàn và hiệu quả.
“Có công mài sắt, có ngày nên kim”, nhờ sự kiên trì đeo bám và theo sát nông dân của cả nhóm, sự khác biệt giữa những ruộng có tham gia Global G.A.P và những ruộng không tham gia Global G.A.P ngày càng rõ ràng hơn. Ruộng theo Global G.A.P quản lý dịch hại tốt hơn, lúa phát triển tốt, khỏe hơn rõ rệt; chi phí giảm hơn nhiều so với ruộng ngoài chương trình. Hơn ai hết, chính nông dân – những người đã gắn cuộc đời mình với lúa – đã cảm nhận sâu sắc nhất lợi ích và ý nghĩa của chương trình.
CHUNG TAY BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, SỨC KHỎE
Tưởng rằng mọi khó khăn đối với anh em trong nhóm đã qua nhưng thực tế lại xuất hiện một vài trở ngại khác. Con đường đến với chuẩn Global G.A.P còn lắm những chông gai, thử thách. Nông dân đã có thói quen pha thuốc ở nhiều điểm khác nhau, chỉ để thuận tiện cho họ, vỏ bao bì thuốc theo đó cũng tràn lan trên ruộng. Điều này ảnh hưởng xấu tới nguồn nước canh tác. Và anh em trong nhóm lại vận động và lại cùng nông dân pha thuốc tập trung tại nơi có bản chỉ dẫn, có hố đựng rác thải thuốc để thu gom và tiến hành tiêu hủy theo qui định. Nhóm còn hướng dẫn bà con nông dân về an toàn lao động với mục tiêu nhằm đảm bảo tính mạng, sức khỏe của nông dân khi lao động.
“MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN”
Cứ như thế, với nỗ lực, quyết tâm và hành động, chúng tôi đã từng bước vượt qua những khó khăn và tiến dần về đích Global G.A.P. Những cánh đồng Global G.A.P giờ đây đã bắt đầu bước vào thời kỳ thu hoạch. Lúa cây nào cũng đặc bông, trĩu nặng những hạt to, mẩy, sáng mà lá đòng vẫn còn xanh mơ. Đó cũng là khi cần thực hiện một khâu cực kỳ quan trọng, quyết định đến sự thành công của cả qui trình. Mẫu lúa cánh đồng Global G.A.P được gửi đi kiểm nghiệm trong niềm hy vọng lẫn lo lắng, hồi hộp.
“Trời không phụ người có tâm”. Cầm kết quả kiểm nghiệm trên tay, chúng tôi tin rằng “Mùa xuân là đây”. Kiên trì áp dụng theo mọi tiêu chuẩn ngặt nghèo của qui trình Global G.A.P, hạt lúa làm ra không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Sau gần một năm “thai nghén, mang nặng đẻ đau”, đứa con của chúng tôi đã chào đời khỏe mạnh và tràn đầy sức sống. Và đó cũng là lúc chúng tôi tìm đến với tổ chức Global G.A.P quốc tế để “đặt tên cho em”. Các chuyên gia Global G.A.P quốc tế đã tiến hành đánh giá vùng nguyên liệu để cấp chứng nhận Global G.A.P cho vùng nguyên liệu Mỹ Thành Nam.
Ngày 12/2/2009 đã được ghi vào lịch sử của ngành nông nghiệp Việt Nam khi ấp 5, xã Mỹ Thành Nam chính thức là vùng đất đầu tiên trong cả nước đón nhận chứng chỉ Global G.A.P cho thương hiệu lúa chất lượng cao, an toàn, do tổ chức quốc tế TÜV SÜD Management Service cấp.
Điều này cũng đánh dấu một cột mốc quan trọng về sự hợp tác giữa doanh nghiệp với nông dân, cụ thể là giữa công ty TNHH ADC và HTX Mỹ Thành Nam trong việc thực hiện thành công mô hình Cánh đồng Mơ ước theo chuẩn quốc tế. Đó là một sự gắn kết để cùng tạo ra hạt lúa, hạt gạo chất lượng, cùng góp phần xây dựng và nâng cao giá trị hạt gạo, thương hiệu gạo Việt Nam. Nhiều năm qua cho đến nay, năm 2017, công ty ADC và nông dân xã Mỹ Thành Nam, Cai Lậy, Tiền Giang vẫn duy trì thực hiện trồng lúa theo chuẩn Global G.A.P và tiến hành tái chứng nhận hàng năm cho vùng nguyên liệu này. Chúng tôi đã và đang nối dài những… mùa xuân thơm hoa lúa trên từng mảnh đất quê hương như vậy.
VÙNG ĐẤT CỦA LOẠI LÚA DƯỢC LIỆU – LÚA CẨM CAI LẬY
Đặc biệt, vùng nguyên liệu Mỹ Thành Nam cũng là nơi duy nhất sản xuất ra loại lúa dược liệu có tên lúa Cẩm Cai Lậy nổi tiếng từ ngày xưa và đã được nhiều người biết đến. Cho đến nay, Công ty ADC đã là đơn vị đầu tiên và duy nhất sản xuất loại lúa này trong vùng nguyên liệu Global G.A.P Mỹ Thành Nam, theo tiêu chuẩn Global G.A.P và chế biến thành gạo mang tên thương mại là gạo đen Trường Thọ. Giới chuyên môn gọi đây là loại gạo dược liệu bởi trong đó chứa đa dạng thành phần dinh dưỡng, đồng thời còn chứa rất nhiều acid amin quý hiếm; giúp phòng và chất nhiều căn bệnh thời đại như ung thư, tiểu đường, tim mạch… Hàm lượng chất chống ôxy hóa trong gạo còn cao hơn nhiều hơn so với trái Việt quất.
RIO THÁI
TIN TỨC MỚI